Hút chì thải độc da – Phương pháp làm đẹp da nổi đình nổi đám nhiều năm trở lại đây
Nhiều năm gần đây, nhiều chị em hào hứng với dịch vụ làm đẹp da mới mang tên hút chì thải độc da. Theo đó, các chủ spa khuyên chị em nên làm một tháng một lần. Tuy nhiên, riêng với những bạn hay make up, hoặc hay đi ngoài đường bụi bẩn thì nên làm 2 tuần một lần.
Dịch vụ làm đẹp mang tên hút chì thải độc da được quảng cáo rầm rộ với những công dụng khiến nhiều người chỉ muốn thử ngay. Theo đó, sau mỗi lần hút chì thải độc da, chị em sẽ được lấy hết lượng chì và độc tố trong da. Phương pháp làm đẹp này lấy đi cặn bã, tế bào chết, làm sạch sâu tận lớp biểu bì. Từ đó đem lại cho bạn làn da sáng mịn, ngăn ngừa mụn, nám, tàn nhang. Chưa kể, hút chì thải độc da về lâu dài còn giảm dị ứng, mẫn cảm cho da.
Trong khi đó, để bạn yên tâm hơn, mỗi lần làm xong, nhiều nhân viên không quên cho "mục sở thị" hình ảnh những miếng bông lau mặt đen sì mà họ khẳng định là chì trên da. Điều này khiến người sử dụng dịch vụ dường như tin tưởng và yên tâm hơn khi da bị nhiễm chì đang được làm sạch.
Dịch vụ làm đẹp hút chì thải độc da không hề thần thánh như những gì bạn vẫn nghĩ
Theo BS Nguyễn Văn Thường (Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương), hiện nay tại nhiều spa rất thịnh hành phương pháp làm đẹp da mang tên hút chì thải độc. Tuy nhiên, cho đến nay, phương pháp làm đẹp da này vẫn không có bằng chứng khoa học, không được công nhận trong khoa học làm đẹp.
Vị chuyên gia khẳng định: "Đây chỉ là chiêu trò câu khách tại nhiều cơ sở làm đẹp hiện nay chứ thực tế không có chuyện chì được hút đen đầy mặt như nhiều spa đang quảng cáo".
Xét ở khía cạnh sử dụng mỹ phẩm chứa chì, BS Thường nhận định, việc cho chì vào mỹ phẩm từ hàng trăm năm trước để làm đẹp là nguyên nhân gây ra tình trạng ngộ độc gây ảnh hưởng đến thần kinh, nội tạng… Nói chung, chì bị cấm trong sản xuất mỹ phẩm chính hãng, nguồn gốc rõ ràng.
Khi sử dụng những sản phẩm chính hãng, có nguồn gốc rõ ràng thì thường sản phẩm không có chì. Do đó, chỉ cần đảm bảo bạn dùng mỹ phẩm chất lượng tốt thì không cần thiết phải lo lắng làn da nhiễm chì để đi hút chì thải độc da.
Xét ở khía cạnh chì nhiễm trong không khí có khả năng bám đậu, thẩm thấu sâu vào trong da, PGS.TS Trần Hồng Côn (khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) nhận định, chì vô cơ có khả năng hấp thu qua da. Việc thải độc chì là cần thiết. Tuy nhiên, thải độc chì bằng cách hút chì thải độc da thì ông không chắc có thể đào thải được ra ngoài.
Giới chuyên gia nhận định, cơ thể có cơ chế tự đào thải chất độc nên không cần phải quá lo lắng. Tuy vậy, mọi người cần duy trì một số thói quen sống lành mạnh để giảm tối đa nguy cơ nhiễm chì vào da cũng như đi vào cơ thể gây ra nhiều nguy hại.
Chuyên gia khuyến cáo chị em phụ nữ nên tránh dùng son môi đậm màu, đặc biệt là màu đỏ cam, khi đánh rồi không nên liếm môi, trước khi ăn cần lau son thật sạch hoặc hạn chế tối đa không cho son môi tiếp xúc với thức ăn, đồ uống… Khi quyết định mua son môi hãy chọn những loại có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tránh mua sản phẩm trôi nổi. Hạn chế tô son nhiều lần trong ngày (nhất là với dạng son màu đậm như đỏ, đỏ cam), không tô son quá đậm và nên sử dụng dung dịch tẩy trang dành cho môi sau khi trở về nhà nghỉ ngơi… Đối với mỹ phẩm bôi lên da cũng vậy. Chỉ dùng những sản phẩm được cấp giấy chứng nhận, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Trong chế độ ăn uống nên tăng cường uống sữa, ăn mộc nhĩ đen, rong biển, tỏi, sữa chua, trà, trái cây, các loại rau quả như rau cải mỡ, bắp cải, mướp đắng, những loại giàu vitamin C, cà rốt, tôm, hàu, rong biển.... Ngoài ra, chị em phụ nữ nói riêng và mọi người nói chung nên tiến hành điều trị thải độc chì liên tục, nhiều đợt, nhiều tháng, nhiều năm tại những trung tâm chống độc thuộc các bệnh viện. Tuyệt đối không vì quảng cáo mà đi hút chì thải độc da, có thể khiến bạn mất tiền không đáng.
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon