Đừng để các con mỗi ngày chỉ nhìn thấy lưng mẹ thôi!

Sau thời gian 6 tháng nghỉ thai sản, càng ngày càng có nhiều người mẹ quyết định nghỉ việc để có thêm thời gian ở nhà chăm sóc và dạy dỗ con, ít nhất là nửa năm, một năm, cho đến lúc bé đi học, nhiều hơn nữa là 3 tuổi, thậm chí là nghỉ thời gian không giới hạn để dạy con tại nhà như chị Uyên Bùi – đồng tác giả cuốn sách “Để con được ốm” đang nhận được sự đón nhận của rất nhiều cha mẹ. 

Chọn một công việc tự do phù hợp, dành trọn vẹn thời gian để ở bên con, cùng con khám phá, học hỏi mỗi ngày là một sự lựa chọn mang đến cho chị Uyên Bùi và con gái một cuộc sống đầy ắp yêu thương, rực rỡ sắc màu và những kỉ niệm lấp lánh không thể nào quên, bởi chỉ khi ở bên con đủ nhiều, bạn mới có thể cảm nhận được những điều nhỏ bé tuyệt vời đó của hành trình làm cha mẹ.

Uyên Bùi 1
Làm mẹ toàn thời gian có nghĩa là bạn được tận hưởng trọn vẹn những khoảnh khắc ngọt ngào nhìn ngắm con lớn lên. (Ảnh: NVCC)

Cuộc nói chuyện của tôi với chị Uyên Bùi không cà kê dài dòng, nhưng qua những chia sẻ ngắn ngủi đầy xúc tích của chị, tôi cảm nhận được rất rõ rằng, đôi khi, việc trở thành mẹ của một thiên thần bé bỏng sẽ khiến cuộc đời bạn đảo lộn 180 độ, nhưng cũng có thể điều đó sẽ giúp bạn đi tiếp con đường mình đã chọn với một bình năng lượng sống luôn được sạc đầy những háo hức, hăm hở, tin yêu vào tương lai rộng dài phía trước.

Có con là một bước ngoặt bất ngờ nhất của tôi

Chào chị, kế hoạch làm mẹ toàn thời gian của chị có phải là mục tiêu ngay từ khi chị làm mẹ hay là một quyết định bất ngờ do một “bước ngoặt” nào đó của cả gia đình?

Với tôi thì có con chính là bước ngoặt bất ngờ nhất bởi khi đó tôi vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng cho việc sinh con. Nhưng tôi đã lựa chọn việc làm mẹ toàn thời gian từ trước khi có con bởi tôi nghĩ đó là trách nhiệm hiển nhiên khi chúng ta trở thành bố mẹ bởi con trẻ cần chúng ta thương yêu, nâng niu, chăm sóc và dạy dỗ. Nếu không sẵn sàng dành thời gian để chăm sóc nuôi  dạy con, thế chúng ta sinh con ra vì lẽ gì? Và tại sao một ai đó khác (ông bà, người giúp việc…) lại trở thành người phải gánh vác trách nhiệm đó thay chúng ta khi chúng ta mới chính là bố mẹ? 

Uyên Bùi 2
Những chuyến du lịch cùng bố mẹ chính là "trường học" tuyệt vời mang đến cho cô bé Mật Ong - con gái chị Uyên Bùi những bài học sinh động nhất về cuộc sống. (Ảnh: NVCC)

Thử thách lớn nhất đối với chị khi quyết định làm mẹ toàn thời gian là gì?

Tôi nghĩ đó là phải đảm đương một lúc hai công việc: công việc làm mẹ toàn thời gian và công việc tự do kiếm sống. Mà công việc “toàn thời gian” của mình không hề có chia ca quy định ngày 8 tiếng sẽ được nghỉ ngơi, thay vào đó sẽ là công việc 24/7/365 ngày mỗi năm. Nếu là bạn, bạn có thấy đó chính là công việc thử thách nhất đối với một phụ nữ hay không?

Điều mà ai cũng ấn tượng là không chỉ có chị làm mẹ toàn thời gian, mà cả chồng chị cũng ủng hộ, đồng hành cùng chị làm bố toàn thời gian. Chị có “chiêu” gì để khiến chồng chị có một quyết định “khác người” như vậy?

Tôi nghĩ chúng tôi kết hôn và sống cùng nhau chính là vì quan điểm sống và thái độ sống của chúng tôi tương đồng. Do đó, trong việc quyết định “làm bố toàn thời gian” của chồng, tôi không cần phải dùng bất cứ một chiêu thức nào cả mà là ý muốn của anh ấy. Chồng tôi muốn chia sẻ với tôi trách nhiệm xây dựng và chăm sóc gia đình, nuôi và dạy con gái. Và tôi thấy đó cũng là điều bình thường mà bất cứ một ông bố nào cũng có thể làm chứ không phải là “khác người”, chỉ là có những người khác không chọn cách mà chồng tôi đã chọn thôi.

Uyên Bùi 3

Khoảnh khắc hạnh phúc trong veo của cả gia đình chị Uyên Bùi trong một chuyến cả nhà đi du lịch ra Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Việc mẹ ở nhà với con giai đoạn con còn nhỏ có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của bé, tuy nhiên, chị có nghĩ rằng, việc mẹ ở nhà với con kéo dài là một sự cản trở đối với cả mẹ và con không? 

Tại sao việc mẹ ở nhà với con kéo dài lại trở thành một sự cản trở? Không phải trong những năm tháng đầu đời, thứ con cần nhất ở chúng ta chính là thời gian dành cho con đấy sao? Thời gian để chơi cùng con, học những điều mới mẻ cùng con, dạy cho con những điều thú vị về thế giới rộng lớn này, lắng nghe con, yêu thương con, chăm sóc con… Không tin, bạn cứ thử hỏi bất cứ một em bé nào đó xem có thích được bố mẹ đưa đi chơi, đi du lịch, cùng nhau trồng một cái cây, nấu một món ăn hay không? 

Và không phải cùng con lớn lên chính là quãng thời gian quý báu nhất dạy cho chúng ta về ý nghĩa của thời gian, về việc một điều gì đó đi qua sẽ là mãi mãi, về việc thế giới của con trẻ thực sự thú vị và đầy sáng tạo như thế nào đấy sao. Không phải chúng ta dù ở cạnh con mỗi ngày vẫn luôn chép miệng “ôi, con lớn mất rồi, chẳng còn vòi vĩnh mè nheo bố mẹ nữa” đấy sao?... Thế thì sao mà điều đó lại trở thành sự cản trở cho người mẹ được?

Uyên Bùi 4
"Tại sao một ai đó khác (ông bà, người giúp việc…) lại trở thành người phải gánh vác trách nhiệm nuôi dạy con thay chúng ta khi chúng ta mới chính là bố mẹ?", chị Uyên Bùi chia sẻ.

Làm mẹ toàn thời gian là công việc phù hợp nhất với khả năng của tôi

Băn khoăn lớn nhất của các bà mẹ khi quyết định ở nhà với con hay không là nỗi lo phụ thuộc tài chính vào chồng hoặc nguy cơ bị tụt hậu khi không giao tiếp xã hội và công việc? Có vẻ điều đó không đúng lắm với chị? Chị có bí quyết riêng gì không?

Thực lòng thì tôi không có bí quyết riêng nào cả, chỉ là tôi đã lựa chọn công việc phù hợp với khả năng của mình và phù hợp với hoàn cảnh mà tôi lựa chọn. Và cuối cùng là cố gắng nỗ lực để theo đuổi con đường mà mình đã lựa chọn thôi.

Lựa chọn nào cũng có mặt trái của nó, lựa chọn làm mẹ toàn thời gian mang lại rất nhiều những lợi ích tuyệt vời cho một đứa trẻ trong những năm đầu đời, còn mặt trái của điều này thì sao? Chị có thể chia sẻ những trải nghiệm không ngọt ngào của chính mình không?

Tôi nghĩ mỗi người sẽ cảm nhận khác nhau về con đường và cuộc sống mà bản thân đã chọn. Còn đối với tôi, tôi thấy hài lòng và vui vẻ với cuộc sống hiện tại. Nếu hỏi về trải nghiệm không ngọt ngào nhất đó là tôi đã phải dành một quãng thời gian dài tập trung để viết và xử lý cuốn Để con được ốm và phải gửi con về cho ông bà ngoại suốt một tháng.

Khi đó, tôi thấy mình rất có lỗi với con nhưng vì chồng tôi đã động viên tôi rằng “nếu em thấy điều em làm là có ích cho nhiều người thì hãy tập trung cho điều đó để hoàn thành nó trong thời gian ngắn nhất, sau đó, quay về cuộc sống thường nhật của em. Thay vì lo lắng, viết sách cũng không xong, mà chơi với con thì đầu óc để nơi khác, như thế tệ cả đôi đường”. 

Uyên Bùi 5
Ở bên con, dạy con từ những trải nghiệm và bài học nhỏ nhất là niềm hạnh phúc mỗi ngày của chị Uyên Bùi. (Ảnh: NVCC)

Kế hoạch làm mẹ toàn thời gian của chị sẽ kéo dài đến bao giờ? Chị có nghĩ là đến khi con đủ trưởng thành và tự do quyết định cuộc sống của mình thì cũng đã quá muộn để chị bắt đầu một điều gì đó cho riêng mình không?

Tôi nghĩ tôi đã đang và sẽ làm mẹ toàn thời gian cho đến suốt đời thôi bởi tôi đã lựa chọn một công việc phù hợp mà mình yêu thích. Ngay cả khi con bạn trưởng thành, bạn sẽ vẫn là một người mẹ thôi. Và tôi thấy, làm cha mẹ (hay thậm chí ông bà) là những công việc không có khái niệm “nghỉ hưu”. Còn đối với tôi, tôi vẫn có cuộc sống của riêng mình, vẫn có thời gian để đi tập pilates, tập yoga, hẹn hò với bạn bè, đi du lịch, đọc sách, xem phim, làm công việc của mình… nên không có gì để gọi là quá muộn  để “bắt đầu điều gì đó cho riêng mình” cả. Tôi đã bắt đầu con đường làm mẹ và đi được trên hành trình đó 5 năm rồi. 

Tính từ thời điểm làm mẹ, nếu được phép lựa chọn “làm lại – không làm” một điều gì đó, với chị, đó là 2 điều gì?

Tôi không thích phải tính toán cho những điều mà nó không bao giờ xảy ra.

Mục tiêu của chị là trở thành một người mẹ như thế nào?

Là một người mẹ luôn biết yêu thương con với đúng ý nghĩa của từ này trong bất cứ giai đoạn trưởng thành nào của con.

Cảm ơn những chia sẻ của chị.

Uyên Bùi 7
Mật Ong - con gái chị Uyên Bùi là một em bé vui vẻ, tự do và hạnh phúc như mọi em bé khác. Chị Uyên Bùi chia sẻ:"Tôi không bao giờ mang con ra so sánh với bất cứ đứa trẻ nào đó khác. Có chăng thì con tôi có nhiều thời gian được học lớn bên cạnh bố mẹ nhiều hơn những em bé khác mà thôi". (Ảnh: NVCC)

"Mỗi ngày con đều chỉ nhìn thấy lưng mẹ thôi!"

Đó là một câu thoại trong bộ phim Misaeng - cuộc sống không trọn vẹn của Hàn Quốc. Phim hay, thực tế, bất cứ ai cũng tìm thấy bản thân trong đó, nhất là giới văn phòng luôn phải chịu đựng áp lực giữa công việc và cuộc sống thường nhật. câu thoại đó nằm ở cảnh người mẹ làm đội trưởng đội bán hàng và luôn bận rộn đến độ mỗi sáng chỉ kịp dắt con đến trường rồi quay lưng đi luôn. người mẹ không bao giờ biết con luôn chào tạm biệt ở phía sau lưng mẹ. vì thế, con đã vẽ hình chân dung gia đình mà không vẽ mặt mẹ.

Câu chuyện đó làm tôi rớt nước mắt. chả vì lí do vì cả. chỉ là một đứa trẻ chỉ luôn thấy bóng lưng của mẹ thôi. cuộc sống ai cũng đầy áp lực, buộc phải cố gắng, buộc phải lựa chọn, buộc phải đánh đổi một vài thứ. trong đó, thứ quan trọng nhất chính là thời gian dành cho con ở độ tuổi đầu đời đều đã bị chôn vùi dưới áp lực công việc và 2 tỉ việc khác. những đứa trẻ, trong xã hội bây giờ, thật, rất thiệt thòi.

Tôi nhớ những lần hai đứa bàn về việc Kitchen sẽ nghỉ việc để chia sẻ với tôi trách nhiệm chăm sóc con, dạy dỗ con, chia sẻ cả công việc gia đình. những ngày chúng tôi đã phải nghĩ rất nhiều, phải đắn đo rất nhiều, để rồi đi đến quyết định cả hai đứa cùng làm công việc tự do. ngày đó chỉ nghĩ "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm", kiểu gì thì cũng sẽ sống tốt thôi, quan trọng là con có đủ thời gian với bố mẹ. và từ đó, chúng tôi làm mà không nghĩ nữa. vậy là tròn 2 năm kể từ thời điểm đó, tháng 7 của năm 2014. năm ấy tôi tròn 30 tuổi và còn kịp có một chuyến du lịch đơn độc đến Châu Âu hẳn 1 tháng vào tháng 9 năm đó và hai bố con ở nhà chăm nhau.

Tôi nhớ, khi bài viết về chúng tôi chọn phương pháp homeschooling được phóng viên thu thập rồi đưa lên báo gần 1 năm trước, có rất nhiều cmts nhận xét mà hầu hết đại ý là bọn tôi giàu, có bố mẹ giàu, ôm một cục tiền rồi ngồi nhà chơi với con. hồi đấy tôi đọc cmts xong cười chảy cả nước mắt, bảo với Kitchen giá mà những điều họ nói là thực thì tôi cũng rất mừng. tôi không ngại chuyện nếu bố mẹ đủ giàu cho chúng tôi cục tiền để chúng tôi chỉ việc ở nhà chăm con đâu bởi tôi cũng chỉ mong có thế thôi! cuộc sống sẽ đỡ áp lực hơn rất nhiều: tôi sẽ không phải trải qua những cảnh migraines nằm bẹp mà vẫn phải lo viết bài và Kitchen không ngày một gầy đi.

Để đến một ngày của tháng 7 năm nay, chúng tôi chuyển nhà mới, to hơn rộng đẹp hơn, dù vẫn còn nhiều điều phải lo nghĩ nhưng tràn ngập hạnh phúc. tôi có thời gian để đi tập thể dục, con gái ở nhà phụ chị họ nhặt đậu, rồi kéo ghế đứng rửa đậu. con bảo: "mẹ hãy để tự con làm, không cần giúp đâu ạ!", rồi tỉ mẩn rửa từng que đậu thật cẩn thận. bóng lưng của con bé bỏng ở trên bệ rửa bát to đùng làm tôi ứa nước mắt. bởi tôi biết, điều mà chúng tôi đánh đổi để lựa chọn chính là những thời khắc như thế này đây.

Lựa chọn nào cũng có cái giá của nó. chúng tôi thấy hạnh phúc và hài lòng với những gì mình lựa chọn. cuộc sống vẫn tốt, thậm chí còn tốt hơn rất nhiều so với quãng thời gian Kitchen còn đi làm fulltime. Lương nghìn đô đối với bọn tôi giờ chỉ là một con số không hơn không kém. chúng tôi có được nhiều thứ hơn chỉ là những con số định dạng mức lương của mình. chúng tôi đã đi khắp nơi suốt 2 năm qua, tôi làm việc trên những chặng hành trình, Kitchen dạy con về thế giới. ngược lại, Kitchen đi làm, tôi dạy con những kỹ năng cơ bản trong cuộc sống.

Bởi chỉ đơn giản là chúng tôi muốn được nhìn ngắm và cùng con lớn lên mỗi ngày. giản đơn là thế mà thôi!

Uyên Bùi

Previous
Next Post »
Thanks for your comment